Tạo “chỗ đứng” cho Giống Cà phê cao sản: Cà phê Thiện Trường

Thảo luận trong 'Tin tức tổng hợp' bắt đầu bởi songnhac, 24/3/18.

  1. songnhac

    songnhac Active Member

    Bài viết:
    308
    Đã được thích:
    0
    Điểm thành tích:
    16
    Dù chưa được công nhận là giống cà phê đầu dòng, nhưng hiện nay, cây cà phê giống mang thương hiệu Thiện Trường đang được bà con nông dân một số vùng trồng cà phê ở Bảo Lâm và Lâm Hà ưa chuộng. Theo Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, giống cà phê Thiện Trường hiện chiếm khoảng 30% trong tổng số hơn 27.000 ha diện tích cà phê toàn huyện.

    [​IMG]

    Ông Lưu Công Bình – chủ cơ sở cây giống cà phê Thiện Trường (Lộc Quảng, Bảo Lâm), cho biết: “Tôi đã lai tạo giống cà phê này hơn chục năm nay. Ưu điểm của Thiện Trường là thích nghi với vùng đất bạc màu, đất nhiều sỏi đá và ngay cả trên đất bauxit nghèo dinh dưỡng. Đặc biệt, trên những cây cà phê kém năng suất, không còn khả năng tạo tán hoặc vàng lá do thiếu khả năng quang hợp, nếu dùng giống cà phê Thiện Trường ghép cải tạo thì cây sẽ hồi phục và xanh tốt”. Hiện, hơn 80% nông dân ở các xã Lộc Quảng, B’Lá (Bảo Lâm) đã dùng giống cà phê Thiện Trường để ghép cải tạo vườn cà phê già cỗi, kém năng suất.

    Anh Nguyễn Thế Hiển, nông dân ở thôn 6 (Lộc Quảng), cho hay: “Trước đây, vườn cà phê của tôi tuy cho trái to nhưng cây rất èo uột, lá bị vàng và cành hay bị gãy. Tôi đã thử qua tất cả các loại giống được khuyến cáo để cải tạo vườn, nhưng không phục hồi được. Khi tôi chọn ghép giống Thiện Trường thì cây dần hồi phục và hiện tại vườn cà phê của tôi rất xanh, chồi giống ghép phát triển rất mạnh”. Một ưu điểm nữa của giống cà phê Thiện Trường được người nông dân đánh giá cao, là cây ít phân tán trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, nên nông dân không tốn nhiều công chăm sóc, tỉa cành, tạo tán. Cây dễ ra bông và khả năng đậu trái khá tốt, dù trong thời tiết khắc nghiệt. Năng suất trong những năm đầu sau cải tạo đạt từ 6 – 7 tấn/ha, những năm về sau giảm bớt nhưng vẫn duy trì trung bình 4,5 tấn/ha.

    Hiện, ông Lưu Công Bình đang trồng hơn 5ha cà phê giống Thiện Trường, chủ yếu khai thác chồi để bán. Mỗi năm, ông bán ra trên 1 triệu chồi giống. Ngoài ra, ông còn sản xuất từ 60 – 70 ngàn cây ghép/năm để cung cấp cho thị trường. Không chỉ “gói gọn” ở xã Lộc Quảng, B’Lá, cây cà phê Thiện Trường hiện đã “du nhập” đến vùng cà phê Phú Sơn (Lâm Hà), về Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và cũng đã qua tận Dak Nông. Theo ông Long Thế Vân – Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Quảng: “Do giống cà phê Thiện Trường phù hợp với vùng đất bauxit và đất nghèo kiệt hơn những giống cà phê khác, nên được nông dân rất chuộng. Ở Lộc Quảng, hiện đã xuất hiện những vườn nhân chồi giống Thiện Trường. Do khan giống nên có thời điểm, nhiều vườn nhân chồi giống Thiện Trường ở Lộc Quảng thường xuyên bị mất trộm chồi giống”.

    [​IMG]

    Hiện, cây cà phê Thiện Trường đang được UBND tỉnh đưa vào danh mục những giống cà phê mới cần được nghiên cứu, khảo sát, đánh giá. Thông qua Dự án “Nâng cấp sản xuất giống cà phê” theo Quyết định 872 QĐ – UBND ngày 9/5/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng, việc khảo sát, đánh giá này được giao về cho Trung tâm Nghiên cứu, thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng chịu trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện. Thạc sỹ Nguyễn Đức Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Thiện Trường là giống cà phê được chọn tạo từ phương pháp lai vô tính. Theo đánh giá ban đầu thì đây là giống cà phê mang đặc tính vùng miền, thích nghi tốt trên vùng đất bauxit, đất bạc màu và là giống cà phê ít phân cành cấp I, nên phù hợp với phương pháp canh tác “hãm ngọn”.

    Tuy nhiên, cần có thời gian để đánh giá chính xác hơn về khả năng kháng bệnh rỉ sắt, mẫn cảm tuyến trùng, chịu hạn, chịu phân, độ đồng đều của trái, tính ổn định của năng suất… Trước mắt, cần phải xác định cây đầu dòng của giống cà phê này; trên cơ sở đó, mới có thể xác lập quy trình và biện pháp đánh giá cụ thể”. Theo thạc sỹ Nguyễn Đức Dũng, cần ít nhất 1 năm để hoàn tất quá trình đánh giá, khảo sát này. “Mong muốn của Trung tâm là sẽ nhanh chóng hoàn tất việc khảo sát, đánh giá, để cây cà phê Thiện Trường sớm có “tư cách pháp nhân”; đồng thời, cung cấp cho bà con nông dân đầy đủ thông tin mang tính kỹ thuật của giống cà phê này để tránh những lựa chọn thiếu căn cứ khoa học” – ông Dũng nói.

    Cùng với giống cà phê Thiện Trường, trong danh mục những bộ giống cần được khảo sát, đánh giá thuộc dự án trên, còn có giống cà phê Hữu Thiên (Lộc Sơn, Bảo Lộc). Đây cũng là một giống mới được chọn tạo từ những cá thể ưu tú trong quần thể cà phê của tỉnh Lâm Đồng. Một khi được khảo sát, đánh giá và công nhận giống đầu dòng, đây sẽ là những giống mới góp phần làm phong phú thêm bộ giống cà phê của vùng Nam Tây Nguyên.
     
    Đang tải...

Chia sẻ trang này